Chuyển tới nội dung

Dậy thì không đáng sợ: Cùng con bước qua những đổi thay

Dậy thì – hai tiếng tưởng như quen thuộc, nhưng lại khiến không ít cha mẹ và trẻ cảm thấy bối rối. Với người lớn, dậy thì là chuyện đã qua. Nhưng với con trẻ, đó là một thế giới hoàn toàn mới – nơi cơ thể bỗng thay đổi, tâm trạng bỗng thất thường, và những suy nghĩ đầu đời về bản thân, tình cảm, giới tính bắt đầu xuất hiện.

Có những đứa trẻ lo lắng khi thấy cơ thể mình khác lạ. Có những đứa trẻ trở nên trầm lặng, cáu gắt mà chính chúng cũng không hiểu vì sao. Và có những bậc cha mẹ bối rối trước những phản ứng “lạ lẫm” của con.

Vì vậy, bài viết này được viết để gửi đến cha mẹ một thông điệp:
Dậy thì không hề đáng sợ – nếu chúng ta cùng con bước qua nó bằng sự hiểu biết và tình yêu thương.

Dậy thì – một bước ngoặt lớn trong cuộc đời trẻ

Dậy thì giai đoạn chuyển giao từ trẻ con sang người lớn, kéo dài vài năm, thường bắt đầu:

  • Ở bé gái: từ 8–13 tuổi
  • Ở bé trai: từ 9–14 tuổi

Sự thay đổi được điều khiển bởi hormone sinh dục, khiến trẻ đối diện với:

  • Thay đổi mạnh mẽ về cơ thể
  • Biến động về cảm xúc, hành vi
  • Hình thành nhận thức về bản thân và giới tính
  • Khao khát được độc lập, nhưng vẫn cần tình thương

Đây là giai đoạn mang tính quyết định, tạo nền tảng cho sự phát triển tâm lý, nhân cách và mối quan hệ xã hội sau này.

Những đổi thay dễ khiến con hoang mang

Cơ thể thay đổi đột ngột
• Bé gái: Ngực phát triển, có kinh nguyệt, thay đổi vóc dáng
• Bé trai: Vỡ giọng, mọc lông mặt – cơ thể lớn nhanh, bắt đầu có mộng tinh
=> Trẻ có thể xấu hổ, tự ti, hoặc sợ hãi vì không biết điều gì đang xảy ra

Cảm xúc thất thường
• Buồn – vui – tức giận – cáu gắt không rõ lý do
• Nhạy cảm với lời nhận xét từ người lớn
=> Trẻ có thể cảm thấy không kiểm soát được chính mình

Ý thức mạnh mẽ về cái “Tôi”
• Trẻ muốn được tự quyết, phản ứng nếu bị kiểm soát
• Bắt đầu giữ bí mật, thu mình, hoặc thể hiện “chống đối”
=> Trẻ đang tìm kiếm bản sắc riêng, muốn được công nhận như một cá nhân

Quan tâm đến ngoại hình, giới tính và tình cảm
• So sánh với bạn bè về chiều cao, cân nặng, mụn…
• Bắt đầu có rung động với bạn khác giới hoặc thần tượng
• Tò mò về giới tính, giới hạn cơ thể
=> Nếu không được hướng dẫn đúng, trẻ dễ tiếp cận nguồn thông tin lệch lạc

Điều gì khiến dậy thì trở nên “đáng sợ”?

Không phải dậy thì đáng sợ – mà chính là:
• Thiếu hiểu biết của người lớn
• Sự im lặng, né tránh của cha mẹ
• Việc phán xét, so sánh, chê bai từ người thân
• Áp lực học hành, kỳ vọng thành tích
• Trẻ cảm thấy mình cô đơn, không ai hiểu mình
Vì vậy, vấn đề không nằm ở con – mà nằm ở cách người lớn đồng hành cùng con.

Cùng con bước qua dậy thì như thế nào?

1.Nói chuyện với con trước khi “mọi thứ xảy ra”
• Đừng chờ đến khi con có kinh, hay mộng tinh mới bắt đầu nói
• Hãy chuẩn bị cho con bằng cách kể chuyện, dùng sách, phim phù hợp để mở đầu
=> “Cơ thể con sẽ thay đổi, đó là điều bình thường và đáng tự hào.”

2.Thay vì giảng đạo – hãy chia sẻ trải nghiệm
Thay vì nói: “Lớn rồi đừng cáu gắt nữa!”, hãy thử:
=> “Mẹ cũng từng như vậy khi dậy thì, dễ giận lắm, nhưng rồi cũng học cách hiểu bản thân hơn.”
Khi con tò mò chuyện tình cảm:
=> “Việc rung động là bình thường, nhưng điều quan trọng là học cách yêu bản thân và yêu một cách có trách nhiệm.”

3.Dạy con hiểu và trân trọng cơ thể mình
• Giải thích về kinh nguyệt, vệ sinh vùng kín, cách thay băng vệ sinh hay chọn đồ lót phù hợp
• Nói với con trai về mộng tinh, vỡ giọng, mùi cơ thể, cách chăm sóc bản thân
Nhấn mạnh: Cơ thể ai cũng khác nhau. Không ai “hoàn hảo” cả.

4.Tôn trọng – nhưng vẫn quan tâm
• Cho con quyền riêng tư, không ép con kể hết mọi chuyện
• Nhưng đừng biến mình thành “người vô hình”. Hãy hiện diện qua những điều nhỏ:
=> “Ba thấy dạo này con dễ mệt hơn, có gì ba có thể làm giúp con không?”

5.Dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân
• Nói về ranh giới cơ thể, sự đồng thuận, hành vi xâm hại, cách phản ứng khi gặp tình huống nguy hiểm
• Dạy con sử dụng mạng xã hội an toàn: tránh gửi ảnh nhạy cảm, cẩn thận với người lạ

6.Đồng hành, không kiểm soát
• Đừng ép con phải như “con nhà người ta”
• Hãy cùng con đặt mục tiêu phù hợp, chấp nhận thất bại và hỗ trợ khi con cần

Khi cha mẹ thay đổi, dậy thì trở nên dễ thở hơn

Một đứa trẻ dậy thì có thể không cần lời khuyên mỗi ngày, nhưng rất cần một người luôn sẵn sàng lắng nghe.
Trẻ có thể không nói ra, nhưng vẫn mong rằng ba mẹ:
• Hiểu con đang cảm thấy thế nào
• Không cười nhạo cơ thể hay cảm xúc của con
• Tin tưởng vào khả năng lớn lên của con

Dậy thì không đáng sợ, nếu con có người đồng hành

Dậy thì giống như một hành trình vượt núi. Có những đoạn đường dễ đi, cũng có lúc con muốn quay đầu. Nhưng nếu con biết rằng phía sau luôn có cha mẹ đi cùng, lặng lẽ nhưng vững vàng, con sẽ đủ can đảm để bước tiếp.

“Điều tuyệt vời nhất cha mẹ có thể làm trong tuổi dậy thì của con, không phải là kiểm soát – mà là thấu hiểu và đồng hành.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *